Làm mới hay phá bolero?

Làm mới bolero chắc chắn không phải là chủ đề mới. Sở dĩ nói như vậy là bởi trong 2-3 năm trở lại đây khi dòng nhạc này tái thịnh hành và liên tục tạo nên các cơn sốt, đã có không ít ca sĩ, từ già đến trẻ, từ thành danh cho đến chập chững bước chân vào nghề hát, thậm chí trong các cuộc thi đã mạnh dạn đưa ra những thể nghiệm mà bản thân mình cho là đúng. Có thể kể đến: Soobin Hoàng Sơn từng táo bạo remix Ai khổ vì ai ở The Remix 2016, Đàm Vĩnh Hưng mang cả dàn nhạc giao hưởng đánh bolero ngay trong liveshow của mình hay thí sinh Chu Hoàng Tuấn hát bolero kết hợp với... beatbox ở Thần tượng bolero 2017. Và bây giờ, đến lượt Dương Triệu Vũ hát bolero trên nền jazz.

Trong khi bolero luôn được coi là dòng nhạc bình dân và jazz được xem dòng nhạc quý tộc, vậy sự hòa trộn ấy sẽ đưa Nhạc tình muôn thuở 2 đi về đâu. Nhiều người đặt câu hỏi hai dòng nhạc với rất nhiều điểm không liên quan ấy, Dương Triệu Vũ sẽ làm gì để tạo nên sự hòa quyện và tươi mới như anh mong muốn. 
Trả lời báo chí, Dương Triệu Vũ kỳ vọng album lần này "là bước chuyển mình, liều lĩnh của Dương Triệu Vũ bởi trước đó chưa có ca sĩ Việt Nam nào thực hiện". Anh tạo cho ca khúc những bản hòa âm, phối khí mới kết hợp cùng các loại nhạc cụ: sáo tây, saxophone... Người "tri âm tri kỷ" của Đàm Vĩnh Hưng rõ ràng rất liều khi ranh giới giữa làm mới và phá bolero luôn rất mong manh. 

Nhạc sĩ Vinh Sử từng nêu ý kiến: "Không ai cấm làm mới, phối mới bolero theo cách tươi vui, sáng sủa hơn bởi đó là quyền của mỗi người. Nhưng nếu làm mới theo cách quá hiện đại thì tôi không đồng tình. Bolero đã du nhập vào Việt Nam và tồn tại vài thập niên qua bởi những giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng hợp với tâm tình người Việt. Bạn trẻ có quyền làm mới, có quyền thay đổi nó nhưng xin hãy giữ cái hồn vốn có của dòng nhạc này".
Một nhạc sĩ nổi tiếng nhận định làm mới theo cách nào và bằng phương tiện gì cũng phải giữ vững cái hồn cốt, cái chất nhạc ấy mới gọi là thành công: "Không phải ngẫu nhiên mỗi dòng nhạc đều có những quy chuẩn riêng bởi nó được hình thành và gìn giữ qua thời gian rất dài. Và bolero cũng có quy chuẩn ấy, sau hàng trăm năm ra đời và phát triển tại Việt Nam".
nhac vang tru tinh bolero
Trong hầu hết các ca khúc đều được thể hiện và thu âm trực tiếp, Dương Triệu Vũ lại đi vào một vết xe đổ của nhiều nghệ sĩ hiện nay là quá lạm dụng kỹ thuật, chiêu trò trong giọng hát và vô hình chung, biến mình thành một người thợ hát. Nếu nghe những Đoạn cuối tình yêu, 10 năm tình cũ, Anh còn nợ em, Cho vừa lòng nhau... đều dễ cảm nhận thấy anh quá nắn nót, quá cầu kỳ trong từng câu, từng chữ. Nghe album có cảm giác, Vũ thích vuốt ve từng con chữ và tìm mọi cách để nhả chữ sao cho thật điêu luyện, luyến láy, độ rung, ngân thật hoàn hảo, không tì vết. Nhưng liệu sự lạm dụng ấy có phù hợp với đại đa số tầng lớp bình dân vốn yêu thích sự chân thành, mộc mạc của bolero. Việc phô bày kỹ thuật dường như đã lấn át phần cảm xúc - điều tối thượng của người nghệ sĩ, đặc biệt với bolero. Có vẻ như, Dương Triệu Vũ đã quá tỉnh và quá nghề khi thể hiện album này. Và đâu đó, người ta thấy sự ảnh hưởng của Đàm Vĩnh Hưng rất nhiều trong album lần này.

Bolero là trầm buồn, là tự sự... bởi mỗi ca khúc ra đời trong một hoàn cảnh và ẩn chứa trong đó là những câu chuyện riêng. Vậy nên, cũng không thể áp đặt hay rập khuôn việc thể hiện các ca khúc theo đúng một mô típ chung. Và trong album lần này, Dương Triệu Vũ đã mắc lỗi sai ấy.
Nếu trong hầu hết các ca khúc buồn, khán giả thấy Vũ thể hiện khá một màu, bi lụy không đến mà chân thành cũng chưa đủ; nhiều khi quá nức nở không ít lúc lại hời hợt; cố tạo ra cái mộc mạc mà thành ra màu mè, phô trương. Đấy, tất cả đều có chung một cái màu như thế trong hầu hết các ca khúc. Trong khi đó, ngay cả ở nhạc phẩm có màu sắc rộn ràng hơn như liên khúc Gặp nhau làm ngơ, đáng lẽ cần lắm sự lả lơi, phong tình của người thể hiện để toát lên cái sự say mê, tán tỉnh yêu đương... nhưng Vũ chưa toát lên được điều đó. Vẫn quá cầu kỳ, tỉa tót câu chữ.

Bolero và Jazz cơ bản như "nước sông không đụng nước giếng". Việc sử dụng các nhạc cụ như sáo tây, saxophone có thể khiến những bản phối lạ tai nhưng vô hình chung nó lại tạo nên sự lạ lẫm, xa lạ và khiến bolero mất đi cái chất bình dân. Bolero nào đâu cần sự cầu kỳ đến vậy vì nhiều khi nó chỉ cần sự mộc mạc với một cây guitar, hoặc là hát chay cũng đong đầy cảm xúc.
Nỗ lực để làm mới của Vũ là đáng ghi nhận. Nhưng cũng đừng viện cớ bất cứ lý do nào để khoác lên bolero những chiếc áo lòe loẹt, hoa mỹ, thời thượng. Bolero, cũng như chiếc áo bà ba mộc mạc, chiếc áo thấm đẫm mồ hôi của những người bình dân. Trong làn sóng làm mới bolero, hãy giữ lại cái hồn cốt chứ đừng viện cớ vì khán giả mà biến tướng nó đi.

Album tuyển chọn

Tin tức liên quan

Mạnh Quỳnh - Phi Nhung: Cặp tình nhân không bao giờ cưới

Đẹp đôi, ăn ý là thế nhưng hai người lại chọn cách mãi làm 'tình nhân' trên sân khấu thay vì đến với nhau ở ngoài đời. Khi được hỏi về...

Lợi ích không ngờ của việc nghe nhạc mỗi ngày

Tăng hormone vui vẻNghiên cứu đã chứng minh rằng...

Quách Tuấn Du bức xúc về phát ngôn của Thanh Lam

Trong bài phỏng vấn, Thanh Lam được đặt vấn đề rằng nhiều ca sĩ đi hát bolero vì khán giả đang chuộng dòng nhạc này thì liệu Thanh Lam...

2015 - 2018 Yêu Nhạc Powered by HTmedia 2.0 DMCA.com Protection Status